Quả tai chua có hình dạng giống như quả su su, bên ngoài là lớp vỏ mỏng rồi đến lớp thịt dày và có một hạt mềm. Đặc biệt, nếu quả tai chua nào thật chua thì hạt bên trong cũng có vị chua chua, dốt dốt, ngọt ngọt dễ ăn.
Hiện nay, tai chua khô đã qua sơ chế từ trái tươi (mới nhìn nhiều người nhầm tưởng là nấm mèo) được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và cũng đã được xuất khẩu. Sau khi thu mua quả tai chua tươi, người ta xắt mỏng rồi phơi sấy khô. Một gia đình làm công nghiệp có thể có đến bốn lò sấy. Bình quân cứ 10 kg tai chua tươi cho một ký thành phẩm (khô). Hiện nay tất cả các công đoạn từ xắt đến sấy đều làm bằng máy. Tai chua thành phẩm có mùi thơm đặc trưng và vẫn còn vị chua. Từ quả ban đầu hơi thô kệch, xấu xí, tai chua đã chính thức trở thành một loại rau gia vị dùng để nêm nếm, có hình thức mỏng manh và sang trọng.
Vị chua đặc trưng cho món ăn chế biến
Tai chua khô dùng nấu chua hay nấu ngọt đều ngon. Cá tươi mua về nấu ngọt cùng với thơm, cà chua, bỏ thêm vài miếng tai chua, nêm thêm ít thì là thì được nồi canh rất ngon, có vị chua chua thanh thanh. Nếu nấu canh chua thì lượng tai chua cần dùng nhiều hơn. Nếu me có vị chua gắt hay lá giang có vị chua hơi chát thì tai chua có vị thanh, đậm đà hơn và rất thơm, ăn cũng rất ngon. Nếu me khi nấu chua chỉ tán lấy nước, hay lá giang càng ăn càng thấy chua thì miếng tai chua không chỉ tạo ra vị đậm đà hay điểm xuyết tạo sự hấp dẫn mà còn là một trong những gia vị xen kẽ với bạc hà, giá, bắp chuối non để tạo ra nồi canh, nồi lẩu tuyệt vời.
Tai chua còn dùng để kho cá, đặc biệt là cá bống kho tiêu. Cá bống làm sạch, ướp tiêu, đường, mắm, bột ngọt, màu kho cá, rồi cho tai chua đã dằm nát vào nồi hoặc rửa tai chua rồi cho vào kho ngay. Cách nào cũng ngon, tạo cho nồi cá kho có vị và mùi thơm đặc trưng.
Tai chua còn được dùng làm gia vị nấu nước riêu cua. Cua lọc kỹ, lấy nước. Khi nước sôi, bỏ cà chua và ít tai chua. Tai chua làm nên vị ngon độc đáo của bát canh tiêu (hay bún riêu), vì vị chua mà thanh, lại thêm chút xíu vị ngọt có hậu.
Tai chua cũng có thể thay thế lá giang trong món gà nấu lá giang hay các món lẩu. Đơn giản hơn nữa, tai chua trong nồi nước luộc rau muống cũng tạo vị ngon không kém, khác hẳn với nước rau muống vắt chanh.