Giới thiệu về cây lộc vừng:
Lộc vừng, hay còn gọi là lộc mưng có tên khoa học: Barringtonia acutangula)là một loài thuộc chi Lộc vừng, là loài cây bản địa của các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippin và Queensland. Tại Đông Nam Á, loài này phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan
Đặc điểm cây Lộc vừng
Một vài thông tin cơ bản về đặc điểm của cây lộc vừng:
- Tên: Lộc vừng
- Tên gọi khác: cây Mưng, cây Chiếc
- Loài: thân gỗ
- Khoa học: Baringtoria acutangula Gaertn
Là loài thân gỗ, Lộc vừng có kích thước thân và rễ khá lớn, đường kính thân dao động từ 15 – 40cm, nếu sinh trưởng tốt ngoài tự nhiên có thể phát triển như những cây cổ thụ.
Thân Lộc vừng thường ngoằn nghèo, hơi xù xì nên rất hợp để tạo dáng làm cây cảnh. Nhiều nghệ nhân thường ép cây trong chậu nhỏ để chơi bonsai.
Cây phát triển tốt có cành lá dày, màu xanh thẫm, lá cây có hình bầu dục hoặc thuôn dài và các đường gân lớn. Lá cây Lộc vừng có vị hơi chua và chát nên thường được dùng để làm rau, đặc biệt là các món gỏi.
Lộc vừng thường ra hoa vào khoảng từ tháng 6 – 8 âm lịch, hoa có dạng chùm lớn, buông dài, màu thường là đỏ hoặc hồng trắng, mùi khá thơm.
Quả Lộc vừng có đường kính tầm 9 – 11cm, hạt từ 4 – 5cm, chen giữa là một lớp xơ dày.
Các loại cây lộc vừng:
Hiện nay, cây Lộc vừng được chia làm khá nhiều loại, không dễ để phân biệt. tùy vào đặc điểm của lá, quả và hoa.
Chúng ta cùng tìm hiểu một vài loại nhé:
- Cây Chiếc hay Rau Vừng
Loại Lộc vừng này có tên khoa học là Barringtonia Asiaticam, tiếng Anh gọi là Boxtree, thường phân bố ở khu vực ven biển Nam Bộ, vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười… có khả năng, chịu hạn, chịu mặn, sinh trưởng và tỏa bóng mát rất tốt.
Cây Chiếc có quả lớn với mặt cắt ngang dạng hình hộp, đây cũng là đặc điểm dễ phân biệt nhất với các loài Lộc vừng khác.
-
Lộc vừng hoa đỏ
Đúng như tên gọi, Lộc vừng hoa đỏ, tên khoa học là Barringtonia Acutangula nổi bật với chuỗi hoa có màu sắc đỏ tươi rực rỡ.
Cây có nguồn gốc từ các vùng ngập nước châu Á, quần đảo ở Philippines.
Để nhận biết, bạn dựa vào màu sắc đỏ tươi của hoa, kèm với mặt cắt quả hình tròn.
Lộc vừng hoa đỏ được nhiều người yêu thích bởi màu hoa của nó tượng trưng cho tài lộc dồi dào, không những vậy còn có nhiều tác dụng trong Đông y như trị đau răng, tiêu chảy, cảm lạnh…
Lộc vừng hoa trắng
Lộc vừng hoa trắng có tên khoa học là Barringtonia racemosa, thường được gọi với những tên khác như Lộc vừng hoa chùm, hay Chiếc chùm.
Khi đến mùa, cây sẽ nở ra từng chùm hoa treo màu trắng hoặc hồng nhạt vô cùng đẹp mắt. mùi khá thơm. Rất phù hợp để trồng làm cảnh trong khu vực sân vườn.
- Lộc vừng lá lớn
Cây Lộc vừng lá lớn được phân biệt nhờ vào kích thước thân và lá lớn, mọc xum xuê. Lá có màu xanh bóng kèm các đường gân rõ ràng.
Ngược lại với lá thì hoa của loài này khá nhỏ, mọc thành chùm dài kèm theo các sợi tua rũ xuống rất đẹp. Nhìn qua giống như một chùm pháo giấy ngày Tết, mang ý nghĩa thu hút tài lộc.
- Lộc vừng lá nhỏ
Cây Lộc vừng lá nhỏ có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia…
Đặc điểm cũng như tên gọi, cây có lá nhỏ hơn so với các loài Lộc vừng khác, nhưng không vì vậy mà khả năng tỏa bóng mát bị giảm sút.
Cây cũng có hoa màu đỏ khá đẹp mắt và mùi hương dễ chịu.
Sức sống của cây cũng khá tốt khi bạn không cần chăm sóc nhiều mà cây vẫn có thể sống rất tốt.
Cây Lộc vừng có ý nghĩa gì trong phong thủy:
Không chỉ mang lại lợi ích trong việc làm cảnh, phủ bóng mát, tỏa mùi hương, cây Lộc vừng còn được yêu thích nhờ mang nhiều ý nghĩa về phong thủy.
Đầu tiên là tên gọi, Lộc mang ý nghĩa tài lộc, Vừng mang ý nghĩa nhỏ bé nhưng nhiều, bởi vậy Lộc vừng mang ý nghĩa đem tài lộc xum xuê về cho gia chủ.
Cành lá tươi tốt, tuổi thọ cao tượng trưng cho ý chí kiên định, trường thọ, ấm no lâu bền.
Cây ra hoa dạng chùm đỏ khỏe sắc giống các chùm pháo ngày Tết, mang ý nghĩa may mắn, hỷ sự.
Nhờ những ý nghĩa đó, nhiều người trồng Lộc vừng trong nhà với mong muốn kinh doanh phát đạt, mang về tài lộc, thịnh vượng lâu dài, xua đuổi tà khí…
Cây Lộc vừng cũng thường được trồng trong các đền chùa hay dùng làm quà tặng trong các dịp tân gia, khai trương, mừng thọ…
Trồng cây Lộc vừng trước nhà có tốt không?
Theo quan niệm dân gian, cửa nhà chính là nơi đón các loại khí từ ngoài vào, cả vượng khí và tà khí.
Nếu có một cây Lộc vừng trước cửa, màu đỏ của cây sẽ giúp tích tụ dương khí, xua đuổi tà khí, mang về phước lành, hỷ sự cho gia chủ.
Vì là cây tán lớn, bạn cần trồng cây Lộc vừng ở vị trí thoáng đãng, đủ không gian cho cây phát triển. Ngoài ra còn cần cung cấp đủ nước, dinh dưỡng và ánh sáng để cây ra hoa nhiều.
Nhưng để tốt nhất, trước khi trồng cây Lộc vừng hay bất kỳ cây cổ thụ nào thì bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia phong thủy, từ đó chọn được khu vực, hướng trồng phù hợp, mang lại nhiều vượng khí nhất.
Cách trồng và chăm sóc cây Lộc vừng
Lộc vừng là một loài có sức sống tốt, phù hợp với nhiều môi trường sống. Tuy vậy, để cây khỏe mạnh và ra hoa nhiều, bạn cũng cần chú ý một chút trong quá trình trồng và chăm sóc cây.
Cách trồng cây Lộc vừng
Đối với cây Lộc vừng, bạn có thể nhân giống cây bằng cách gieo hạt hoặc chiết cành, trong đó chiết cành được ưa thích hơn vì cây phát triển nhanh, dễ sống hơn. Thời gian trồng cây tốt nhất là vào các tháng có thời tiết nắng nhẹ.
Đầu tiên bạn cần chuẩn bị đất trồng, tốt nhất là chọn đất giàu dinh dưỡng, nhưng nếu không thì đất bình thường, đảm bảo độ tơi xốp, trộn thêm một ít phân hữu cơ, phân ủ là được.
Nếu trồng cây trong chậu thì nên chọn chậu sành, sứ hoặc đất nụng, đảm bảo có lỗ thoát nước đầy đủ.
- Gieo hạt: vùi hạt xuống đất đã chuẩn bị từ trước, tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cho đất, không cần tưới quá nhiều. Đến khi cây nảy mầm thì có thể chuyển cây ra chỗ khác mát mẻ, tránh nắng gắt.
- Chiết cành: chọn cành khỏe, lá nhiều và không có dấu hiệu sâu bệnh. Tiến hành khoanh vỏ và tạo bầu đất, có thể kết hợp thêm thuốc kích rễ. Khi cành ra rễ thì cắt và trồng vào đất đã chuẩn bị trước, tưới nước đầy đủ là cây sẽ sinh trưởng tốt.
Cũng không có gì quá phức tạp đúng không nào.
Chăm sóc cây Lộc vừng
Sau khi trồng, bạn cũng cần chú ý một chút tron quá trình chăm sóc cây để đảm bảo cây luôn khỏe mạnh, nhanh ra hoa.
- Tưới nước: mỗi ngày bạn nên tưới nước cho cây 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, lượng nước tưới chỉ cần đủ để làm ẩm đất. Nếu thời tiết nắng quá gắt bạn có thể tưới nhiều hơn và ngược lại khi trời mưa nhiều. Đất trồng hoặc chậu cây phải đảm bảo thoát nước tốt, tránh ngập úng, hư rễ.
- Ánh sáng: là loài cây ưa nắng, bạn nên trồng Lộc vừng ở những nơi thoáng đãng, có nhiều ánh sáng. Khi cây còn nhỏ thì cố gắng che chắn khi có nắng gắt, còn khi cây lớn thì thoải mái. Nếu có đủ không gian, cây có thể phát triển tán và lá rộng, phủ bóng mát rất tốt. Nếu trồng trong chậu thì bạn nên tạo điều kiện phơi nắng cho cây thường xuyên.
- Dinh dưỡng: cây không cần bón phân quá thường xuyên, khoảng 3 – 4 tháng bạn bón phân NPK cho cây là được. Khi bón nhớ rải đều phân ra xung quanh, không tập trung vào gốc. Nếu trồng trong chậu, cứ 2 – 3 năm bạn nên thay đất 1 lần để làm mới dinh dưỡng và môi trường sống.
- Trị sâu bệnh: thường xuyên kiểm tra cây để loại trừ sâu hại, nếu nhận thấy cây bị rầy hoặc nấm thì cần mua thuốc về phun. Khi cây còn nhỏ, bạn cần neo giữ và rào xung quanh để tránh tác động từ bên ngoài làm đổ cây.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây Lộc vừng, hy vọng qua đó bạn đã có hiểu biết nhiều hơn về loài cây cảnh vô cùng ý nghĩa và đa năng này.
Chúc bạn thành công trong quá trình chăm sóc cây Lộc vừng của riêng mình.